Mercedes-Benz đang phát triển một loại "sơn năng lượng mặt trời" tiên tiến, có thể giúp xe hấp thụ năng lượng trong khi tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời. Và như chúng ta vẫn biết, một chiếc xe thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng, bất kể khi di chuyển hay khi đang đỗ.
Công ty cho biết, một lớp sơn phủ đem lại hiệu quả sẽ chỉ dày 5 micromet và nặng 50 gram với mỗi mét vuông. Dù rất nhẹ, nó vẫn chứa tiềm năng tạo năng lượng lớn. Loại sơn này không chứa vật liệu đất hiếm, không sử dụng silicon và được làm từ các thành phần giá rẻ, không độc hại và dễ tái chế.
Công nghệ sơn năng lượng mặt trời của Mercedes sẽ
cách mạng hóa ngành xe điện - Ảnh:
Mercedes.
Nhưng điều khiến công nghệ này nổi bật là hiệu suất của nó. Mercedes khẳng định rằng với diện tích bề mặt 11 mét vuông – xấp xỉ kích thước của một chiếc SUV cỡ trung – lớp sơn này có thể tạo ra đủ năng lượng để xe chạy đến 12.000 km mỗi năm trong điều kiện lý tưởng.
Năng lượng thu được có thể được sử dụng trực tiếp để cấp nguồn cho động cơ điện của xe hoặc sạc lại bộ pin điện áp cao. Đặc biệt, hệ thống này vẫn hoạt động ngay cả khi xe đang đỗ, liên tục tạo ra điện.
Hiển nhiên, hiệu suất thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như bóng râm, cường độ ánh sáng và vị trí địa lý. Để chứng minh một cách trực quan, Mercedes cung cấp một số ví dụ lý thuyết để minh họa tiềm năng của loại sơn này.
Tại Stuttgart, Đức, Mercedes-Benz ước tính rằng sơn năng lượng Mặt Trời có thể cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng khoảng 32km mỗi ngày, chỉ với lượng ánh sáng mà xe tiếp xúc.
Ở các khu vực nhiều nắng hơn như Los Angeles, sơn năng lượng Mặt Trời của Mercedes-Benz có thể tạo ra đủ điện để đáp ứng 100% nhu cầu của một tài xế. Lượng năng lượng dư thừa có thể được đưa trở lại lưới điện gia đình thông qua sạc hai chiều: về cơ bản, chiếc xe tương lai của bạn có thể trở thành … cục pin dự phòng di động cho căn nhà.
Hiện Mercedes-Benz nắm giữ bí mật về thành phần tạo nên loại sơn năng lượng Mặt Trời đặc biệt. Tuy nhiên, quan sát ban đầu cho thấy nó có thể là một dung dịch perovskite có thể được phun lên bề mặt xe. Perovskite đã từng chứng minh được bản thân tại các buổi thí nghiệm trước đây, và cũng khớp với mô tả của Mercedes về một vật liệu quang điện hiệu quả về chi phí, không độc hại và không chứa kim loại hiếm hay silicon.
Thách thức chính với perovskite là cải thiện độ bền của chúng trước tác động của nước và tia UV, có lẽ đây cũng là bài toán khó mà kỹ sư Mercedes đang phải giải quyết.
Dù công nghệ này nghe rất hứa hẹn, nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, và công ty xe Đức chưa công bố thời gian cụ thể để đưa loại sơn này vào sản xuất. Tuy nhiên tiềm năng của một lớp sơn phủ như vậy quá lớn để bỏ qua. Nếu Mercedes thành công, họ sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho cách xe điện được chế tạo và vận hành.
Xem thêm:
- BYD: Hãng xe điện Trung Quốc chuẩn bị về Việt Nam vừa lập đỉnh doanh số cao nhất mọi thời đại, liên tục 'phả hơi nóng' vào Tesla
- Lời tiên tri của Toyota đã thành sự thật, không phải xe điện, xe hybrid mới là chân ái
- Xuất hiện thông tin có ô tô điện ''thần tốc'', sạc nhanh 6 phút là đầy pin, đi được 250km: Nhiều người nôn nóng ''bao giờ bán?''
- Pin kim cương hạt nhân đầu tiên trên thế giới: Cung cấp năng lượng suốt hàng ngàn năm không cần sạc
- Pin xe điện sạc siêu nhanh trên thế giới chính thức trình làng: Sạc 80% pin chưa đến 5 phút, không phải đến từ Trung Quốc
Bình luận về bài viết