Có trụ sở tại Anh, Nyobolt là một công ty startup tập trung vào công nghệ sạc và pin hiệu suất cao giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Được biết, hãng xe này vừa giới thiệu một mẫu ô tô điện “thần tốc” với khả năng sạc đầy chỉ trong vòng 6 phút.
Tuy nhiên, hiện tại, chiếc ô tô của Nyobolt vẫn đang là “sản phẩm concept”. Dù vậy, kể từ khi có thông tin, nhiều người đã bày tỏ sự hào hứng với chiếc xe này cũng như chờ đợi ngày ra mắt thông qua các trang mạng xã hội.
Nyobolt khẳng định, tầm nhìn của họ là giải quyết vấn đề mấu chốt đang ngăn cản người dân chọn xe điện thay vì xe xăng. Công ty nhấn mạnh hầu hết các loại pin xe điện đều có diện tích lớn, nặng và có giá thành đắt đỏ. Chính bởi vậy, một số người không thể đáp ứng mức chi phí đó nên không trở thành khách hàng của thị trường này.
Để khắc phục, Nyobolt đã áp dụng công nghệ pin mới: nhỏ và nhẹ hơn, dung lượng khoảng 35kWh, phạm vi hoạt động lên tới 250km và chỉ cần sạc “thần tốc” trong 6 phút là đầy - một bước đột phá so với những mẫu ô tô khác trên thị trường.
Nyobolt đã thử nghiệm pin của mình trong hơn 2.000 chu kỳ sạc nhanh và không thấy pin có dấu hiệu hao mòn nhiều. Điều này được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự phát triển của ngành ô tô điện với dòng pin công nghệ mới trong tương lai.
Hơn nữa, công nghệ của Nyobolt không giới hạn ở các dòng pin nhỏ. Loại pin lớn sạc nhanh dành cho xe điện phổ thông hay xe tải cũng có thể được sản xuất trong tương lai. Theo hãng, công nghệ pin hiện đại này sẽ được đưa vào sản xuất thương mại từ đầu năm 2024.
Sau khi nghiên cứu chiếc xe mô phỏng của mình, Nyobolt đã hợp tác với nhà thiết kế nổi tiếng Julian Thomson - người tạo ra chiếc Lotus Elise nhằm sản xuất một mẫu xe điện thể thao mới. Nó dự kiến sẽ có diện mạo khỏe khoắn, cá tính với không gian xe dài rộng.
Thomson đã mời công ty thiết kế và kỹ thuật CALLUM cộng tác trong việc phát triển ý tưởng và đưa nó vào cuộc sống. Với sự hợp tác với CALLUM, mẫu xe điện của Nyobolt dự kiến sẽ có sự thống nhất từ vật liệu, diện mạo, hệ thống truyền động đến toàn bộ phương tiện.
Sai Shivareddy, Giám đốc điều hành của Nyobolt cho biết việc giải quyết những thách thức mà các nhà thiết kế xe điện hiện nay đang phải đối mặt là chìa khóa cho sự phát triển của pin sạc nhanh - một điều mang tính đột phá của công ty.
Trước đây, các thương hiệu không thể tạo ra một sản phẩm vừa sạc nhanh vừa có trọng lượng nhẹ mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó. Vì vậy mọi người đã sản xuất các bộ pin lớn với giá thành đắt đỏ.
Với công nghệ độc đáo của mình, Shivareddy cho rằng công ty sẽ tạo ra một chiếc ô tô “thần tốc” với 1 lần sạc đầy chỉ trong sáu phút, đồng thời phát triển các bộ pin nhỏ hơn mà vẫn có thể cung cấp nhiều năng lượng tương đương.
“Sự hợp tác của chúng tôi với CALLUM cho thấy việc áp dụng các đổi mới công nghệ theo hệ thống có thể thay đổi tương lai của ô tô điện và tăng khả năng tiếp cận của khách hàng. Ví dụ 40% hộ gia đình ở Anh không thể sạc xe qua đêm tại nhà thì công nghệ này là ưu điểm”, ông nói thêm.
Vào năm 2022, Nyobolt đã nhận được khoản đầu tư trị giá 50 triệu bảng Anh để thành lập một nhà máy sản xuất pin.
Được biết, ngoài Nyobolt, các startup phương Tây khác như Echion Technologies (Anh) hay Group14 Technologies (Mỹ) cũng đang nghiên cứu vật liệu điện cực để có thể sản xuất những loại pin sạc siêu nhanh.
Theo PitchBook - một nền tảng dữ liệu, các khoản đầu tư vào công nghệ pin xe điện đã tăng hơn 6 lần, từ 1,5 tỷ USD vào năm 2020 lên 9,4 tỷ USD vào năm 2021 khi xu hướng xe điện bùng nổ hơn.
Xem thêm:
- Mẫu xe điện mini có tầm di chuyển 300km cho một lần sạc, giá chỉ từ 160 triệu đồng quyết đấu ''vua'' xe điện cỡ nhỏ Wuling Hongguang Mini EV
- MG COMET EV - mẫu xe điện mini gây sốt tại Ấn Độ với phạm vi hoạt động 230 km, giá chỉ hơn 200 triệu đồng, sẽ về Việt Nam trong thời gian tới?
- Công nghệ ''siêu pin'' xe điện của Toyota: Mỗi lần sạc chỉ 10 phút, đi từ Hồ Chí Minh - Đà Nẵng vẫn chưa hết pin
- Lần đầu tiên khoa học tìm ra mối liên kết giữa quang hợp và “trạng thái thứ năm của vật chất”, có thể mang tới kỷ nguyên mới của đồ điện
- Lần đầu tiên trong lịch sử, truyền phát thành công điện Mặt Trời từ ngoài không gian về Trái Đất
Bình luận về bài viết