Khi nói đến những cái tên phổ biến trong ngành chip di động, Qualcomm Snapdragon, Samsung Exynos hay Apple M series là thứ mà mọi người thường nghĩ đến. Tuy nhiên, điều thú vị là có một công ty khác vô cùng quan trọng nằm ở trung tâm của mọi thứ, nhưng lại không thật sự sản xuất ra bất cứ thứ gì.
Chúng ta đang nói về ARM, công ty thiết kế kiến trúc cho các con chip hiện đại; Chip Qualcomm, Apple và Samsung đều sử dụng kiến trúc ARM. Công ty cấp phép các bộ kiến trúc cho những doanh nghiệp trên để họ tạo ra các con chip với đủ loại tùy chỉnh. Mô hình hoạt động này thành công rực rỡ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Rene Haas, CEO mới của ARM đã trả lời một số câu hỏi: ARM kiếm tiền bằng cách nào? Khách hàng của họ là ai? Và công ty có bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip mặc dù không thực sự sản xuất chip không?
Haas cho biết ARM không phải là một công ty được nhiều người dùng biết tới, nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành công nghệ.
Rene Haas, CEO của ARM
“Chúng tôi không chế tạo chip mà cấp phép sử dụng kiến trúc chip cho người khác. Do đó, có rất nhiều sản phẩm với bộ não ARM ngoài kia. Phản ánh các con số trong quý trước, giữa tất cả các công ty bán dẫn và OEM trên thế giới, 7,4 tỷ con chip đã được chế tạo và xuất xưởng với kiến trúc ARM bên trong. Đó là một con số khổng lồ. Vì vậy, chúng tôi có giá trị trong chuỗi bán dẫn mà không sản xuất bất cứ thứ gì. Chúng tôi chuyên thiết kế và hầu hết, các thiết kế đó là bộ vi xử lý.”
Khách hàng của ARM là ai?
Những sản phẩm sử dụng công nghệ của ARM nhiều vô kể. Ông Haas nói đùa: “Trong ngành công nghiệp điện tử, sẽ dễ dàng hơn để nói ai không phải là khách hàng của chúng tôi.”
Hầu như bất cứ công ty nào bạn có thể nghĩ đến đều khách hàng của ARM. Từ Tây sang Đông, từ phần cứng tới phần mềm, hầu hết các ông lớn ngành công nghệ đều bắt tay hợp tác với ARM.
ARM kiếm tiền như thế nào?
Theo Haas, mô hình kinh doanh của công ty nhìn chung có hai thành phần. Đầu tiên là một khoản phí giấy phép trả trước mà các đối tác sẽ trả để có quyền truy cập vào công nghệ do ARM sở hữu. Điều đó mang lại cho họ quyền xây dựng chip bằng kiến trúc ARM.
Nếu những thiết kế đó cuối cùng được đưa vào sản xuất và trở thành sản phẩm cuối cùng, thì công ty sẽ thu tiền bản quyền trên mỗi sản phẩm. Vì vậy, có hai nguồn doanh thu: một là doanh thu cấp phép, hai là doanh thu tiền bản quyền.
Kiến trúc ARM có mặt trong hầu hết
các món đồ điện tử bạn có thể kể
tên.
Ví dụ, nếu một hãng smartphone tìm tới Qualcomm và mua chip Snapdragon, họ có phải trả tiền cho ARM không? Hay Qualcomm sẽ phải trả tiền cho ARM?
“Câu trả lời là Qualcomm sẽ trả tiền. Trong trường hợp đó, Qualcomm sẽ báo cáo cho chúng tôi biết khách hàng đã mua bao nhiêu sản phẩm. Có một tỷ lệ tiền bản quyền đã được thương lượng trước và họ sẽ gửi cho chúng tôi một khoản thanh toán để trang trải các khoản tiền bản quyền đó”, Haas cho biết.
Thậm chí ngay cả Samsung là hãng tự thiết kế chip cho smartphone, thì khi người dùng mua smartphone với chip Exynos, vẫn có nguồn tiền về tay ARM.
Đây chính là sự tuyệt vời trong mô hình kinh doanh của ARM. Qualcomm sử dụng công nghệ từ ARM và Samsung cũng vậy. Khi một chiếc điện thoại Galaxy xuất xưởng, ARM có khả năng được trả tiền. Nó phụ thuộc vào các thỏa thuận cấp phép mà ARM có với các đối tác, thông thường là với các nhánh bán dẫn của những công ty này. Trong trường hợp của Samsung, nếu công ty ký hợp đồng với nhánh chip, thì chi nhánh chip sẽ thanh toán cho ARM.
Tương tự, chip M series của Apple cũng sử dụng tài sản trí tuệ của ARM và trả tiền bản quyền giống như những hãng khác. Apple có một loại giấy phép rất độc đáo từ ARM được gọi là giấy phép kiến trúc. Họ hoàn toàn thiết kế chip của riêng mình, không sử dụng quá nhiều thiết kế của ARM, nhưng đó vẫn là tài sản trí tuệ của ARM.
Chip Apple sử dụng kiến trúc ARM
“Chúng tôi có một danh sách những yêu cầu để xác minh rằng những gì nhãn hàng đã xây dựng là tuân thủ theo ARM. Chúng tôi chạy thử nghiệm để xem liệu nó có đáp ứng hướng dẫn và quy định của ARM hay không, trình biên dịch có bị hỏng hay không. Chúng tôi có một quy trình kiểm tra cho bất kỳ ai xây dựng thiết kế dựa trên giấy phép mình cung cấp.”
Đối với các khách hàng, ARM cố gắng giữ trung lập nhất có thể. Công ty không muốn ưu ái một khách hàng nào đó.
“Chúng tôi tham gia vào hệ sinh thái của các hệ sinh thái. Nếu bạn bắt đầu ở cấp thấp nhất của chuỗi bán dẫn — GlobalFoundries, Samsung, TSMC, Intel, tất cả những công ty chế tạo chip — thì bạn phải làm việc với tất cả họ. Chúng tôi phải đảm bảo rằng công nghệ của mình có thể được xây dựng với mọi quy trình bán dẫn trên thế giới, điều này đòi hỏi sự đầu tư của tất cả các đối tác đó. Sau đó, Android, Linux, Windows và tất cả các hệ điều hành chính mà chúng tôi hỗ trợ, chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi cũng tính toán đến việc đó.”
Công ty có bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip hay không?
Dù không trực tiếp sản xuất bất cứ thứ gì, nhưng ARM vẫn gắn bó với chuỗi cung ứng. Mô hình tiền bản quyền của công ty được liên kết với số lượng sản phẩm xuất xưởng.
Tuy nhiên, ARM khá đa dạng trong thị trường cuối. Một điều khác là ngày càng có nhiều CPU được sử dụng trong các SoC hiện đại. Trong khi các bộ xử lý ứng dụng cho điện thoại di động có thể sử dụng một CPU, thì cụm điện toán hiện có 9 hoặc 10 CPU khác nhau.
Dù vậy, công ty vẫn rất để mắt đến tình hình hiện tại và dù chỉ có một thứ chưa sẵn sàng cũng có thể tạo ra vấn đề lớn.
Đó là những lý do khiến ARM trở thành “ông trùm” ngành chip, dù bản thân không trực tiếp sản xuất một con chip nào. Gần như mọi sản phẩm có bộ xử lý mà bạn đang sử dụng đều có liên quan đến ARM và hãng nắm giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong thị trường chip.
Xem thêm:
- Samsung sẽ sớm ra mắt chipset mới để cạnh tranh với Qualcomm, Apple?
- Tránh phụ thuộc vào TSMC, Mỹ Nhật cùng hợp tác phát triển công nghệ chip 2nm
- Samsung tăng giá chip, đe dọa đẩy giá GPU, SoC trên thị trường tăng cao trong thời gian tới
- Apple sẽ trang bị cho iMac Pro hai vi xử lý M1 Max với 20 nhân CPU và RAM 128GB
- Nvidia ra mắt CPU đầu tiên của mình dựa trên kiến trúc di động ARM, hiệu suất cao gấp 10 lần chip máy chủ của Intel
Bình luận về bài viết