Một nhà phân phối ít tên tuổi ở London đã bán hàng nghìn bộ phận động cơ với tài liệu giả mạo. Các hãng vận tải và công ty bảo dưỡng máy bay đang ráo riết săn lùng những kẻ này.
Phát hiện điều bất thường
Một ngày đầu năm nay, các kỹ sư tại công ty bảo trì của TAP Air Portugal bắt đầu sửa chữa một động cơ máy bay như thường lệ: chiếc tua bin CFM56 trước mắt họ trông giống như hàng trăm chiếc khác mà họ phải xử lí mỗi năm. Tuy nhiên, riêng lần này họ phát hiện ra một điều đáng báo động.
Các kĩ sư nhận thấy một bộ phận thay thế - một bộ giảm chấn để giảm rung lắc - có dấu hiệu bị mòn trong khi khi giấy tờ đi kèm nói bộ phận đó là hàng mới xuất xưởng. Vào ngày 21/6, TAP đã thông báo vấn đề này với Safran SA, công ty hàng không vũ trụ của Pháp chuyên sản xuất động cơ CFM cùng với General Electric Co.
Safran nhanh chóng phát hiện ra giấy tờ đã bị giả mạo. Chữ ký không phải của nhân viên công ty, số tham chiếu và số đơn đặt hàng trên phần đó cũng không chính xác.
Cho đến nay, Safran và GE đã phát hiện hơn 90 chứng chỉ khác cũng bị làm giả tương tự, tất cả đều liên quan đến cùng một nhà phân phối phụ tùng ở London: AOG Technics Ltd, một công ty ít được biết đến được thành lập cách đây 8 năm bởi một doanh nhân trẻ tên là Jose Alejandro Zamora Yrala.
Mặc dù các kỹ sư được đào tạo để phát hiện các bộ phận có nguồn gốc đáng ngờ, nhưng họ thừa nhận rằng “luôn bị sốc khi có một bộ phận giả ở ngay trước mắt mình”.
Đồng phục của nhân viên tại công ty
bảo trì máy bay thuộc TAP Air
Portugal.
Phát hiện của một đội kiểm tra ở Lisbon đã phơi bày vỏ bọc của một vụ gian lận hàng không lớn khiến các nhà sản xuất động cơ và khách hàng của họ phải gấp rút điều tra để ngăn chặn hậu quả. Kết quả là, hàng nghìn bộ phận máy bay có tài liệu không đạt chuẩn đã được đưa đến các hãng hàng không, nhà phân phối và xưởng trên toàn cầu. Từ đó, chúng len lỏi vào động cơ phản lực, xuất hiện ngày càng nhiều trong những chiếc máy bay của các hãng hàng không lớn trên thế giới.
Tất cả các hãng hàng không lớn của Mỹ và không ít hãng từ nước khác đã phát hiện các bộ phận giả từ AOG trên máy bay của họ. Mặc dù chưa có trường hợp khẩn cấp nào về chuyến bay được thông báo do trục trặc động cơ, nhưng sự táo bạo của hình thức lừa đảo này đã hé lộ một lỗ hổng rủi ro trong hệ thống vốn giúp máy bay trở thành phương tiện vận chuyển an toàn nhất thế giới.
Tim Zemanovic, người điều hành Fillmore Aviation LLC, một công ty chuyên bán các bộ phận máy bay tái chế ở khu vực Minneapolis, cho biết: “Nếu đã có người muốn lừa đảo, rất khó để ngăn chặn kẻ đó”.
Vỏ bọc hoàn hảo
Thứ gây khó khăn cho việc tìm kiếm các bộ phận giả là cho đến nay, CFM56 là động cơ được sử dụng phổ biến nhất, với hơn 22.000 chiếc vẫn đang được sử dụng: cứ 2 giây lại có một chiếc máy bay chạy bằng động cơ CFM56 cất cánh ở đâu đó trên hành tinh. Do tính chất toàn cầu của ngành hàng không, các bộ phận có chứng chỉ giả hiện đã tràn lan khắp nơi, từ Mỹ đến Trung Quốc cho đến những nơi xa xôi như Australia.
Đằng sau màn lừa đảo ngoạn mục là một nhà phân phối mới nổi với vẻ ngoài “đầy uy tín”. Trên trang web (hiện đã bị xóa) của mình, công ty AOG nói rằng rất tự hào về các kho hàng ở Anh, Singapore, Frankfurt và Miami, tự gọi mình là “nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ máy bay hàng đầu toàn cầu” với sứ mệnh “giúp khách hàng của chúng tôi tiếp tục bay”.
Tất cả chỉ là vỏ bọc cho hoạt động mờ ám đằng sau. Theo các nhà quản lý và giám đốc điều hành trong ngành, nhà phân phối vô danh này đã lừa gạt những tên tuổi lớn nhất trong ngành hàng không, bán hàng nghìn bộ phận động cơ phản lực với hồ sơ giả mạo về khả năng bay.
Lắp ráp động cơ phản lực CFM56-7B tại Durham,
North Carolina. Ảnh: Jim R. Bounds/Bloomberg
Trong một số trường hợp, AOG bị cáo buộc đã bán các bộ phận đã qua sử dụng được tân trang lại với giấy tờ khẳng định chúng là hàng mới. AOG thu về lợi nhuận khổng lồ trong quá trình này. Và nhà phân phối này đã làm như vậy bằng cách khai thác những gì mà các chuyên gia cho là điểm mù kéo dài hàng thập kỷ trong hệ thống quản lý hàng không.
Nỗi ám ảnh về việc đảm bảo an toàn bay đã làm xuất hiện một ngành có khả năng sinh lợi cao: ngành phân phối phụ tùng. Tại đây, các công ty trung gian giúp bán hàng trăm nghìn bộ phận mỗi năm giữa các nhà sản xuất, hãng hàng không và trạm sửa chữa. Các chuyên gia tìm nguồn cung ứng mua và bán từ các nhà cung cấp mà họ biết thông qua mối quan hệ cá nhân.
Nhận ra cơ hội lớn, một doanh nhân trẻ gốc Venezuela đã tham gia ngành này. Hồ sơ công ty cho thấy vào năm 2015, một người đàn ông có tên Zamora đã thành lập AOG ở Hove. Từ thị trấn ven biển buồn tẻ cách London khoảng một giờ đi tàu về phía nam, Zamora đã dành vài năm sau đó để mở rộng mạng lưới của mình. Cuối cùng Zamora đã chuyển đến một địa chỉ văn phòng hạng sang ở London - trên thực tế, nó chỉ là địa chỉ của mô hình chia sẻ văn phòng.
Trong nhiều tháng trở lại đây, những người quen lâu năm cho biết họ đã không nghe được tin tức gì từ Zamora. Zamora nói với Doug Hensley - cố vấn chính về an toàn và quản lý tại GE Aerospace - vào ngày 2/8 rằng anh ta đã rời khỏi đất nước để đi nghỉ mát. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Zamora đã ngừng bán các bộ phận liên quan đến GE và CFM “như một phép lịch sự”.
Sinh năm 1988, Zamora lấn sân sang các ngành nghề từ âm nhạc đến bất động sản trước khi dấn thân vào thế giới phụ tùng máy bay. Có một khoảng thời gian, Zamora chơi các bản nhạc techno dưới nghệ danh Santa Militia ở Venezuela, Ý và Tây Ban Nha. Năm 2022, Zamora kết hôn với Leddin, một nhà thiết kế nội thất, trên đảo Mallorca.
Zamora bắt đầu sự nghiệp hàng không vũ trụ vào khoảng năm 2010 với tư cách là người quản lý tài khoản tại AJW, một nhà cung cấp bảo trì động cơ nổi tiếng được biết đến nhiều hơn với cái tên Walters trong giới hàng không. Tại đây, Zamora làm việc với các hãng hàng không có trụ sở tại Châu Mỹ Latinh - từ AeroMexico và Avianca đến GOL của Brazil. Sau đó, Zamora chuyển sang điều hành công ty bảo trì GA Telesis LLC có trụ sở tại Florida tại Vương quốc Anh, trước khi thành lập AOG.
Zamora thường làm việc tại nhà, đăng nhập vào nền tảng ILS, một thị trường linh kiện hàng không vũ trụ, để kiểm tra các yêu cầu từ các hãng hàng không và cửa hàng bảo trì cũng như những linh kiện nào có sẵn.
Tăng trưởng bất thường
AOG khởi đầu một cách khiêm tốn. Hồ sơ công ty cho thấy sau một năm kinh doanh, công ty môi giới chỉ có 7.804 bảng Anh tiền mặt. Vào đầu năm 2019, nó có 18.295 bảng tiền mặt và kiếm được lợi nhuận 22.042 bảng.
Sau đó, việc kinh doanh tăng trưởng đột biến. Hồ sơ công ty cho thấy trong năm kết thúc vào tháng 2/2020, AOG đã báo cáo 2,43 triệu bảng tiền mặt và lợi nhuận 2,2 triệu bảng. Đó là ngay sau khi AOG bắt đầu bán hàng nghìn bộ phận động cơ phản lực có tài liệu giả mạo. Matthew Reeve, luật sư của CFM, đã mô tả trong hồ sơ pháp lý rằng đây là một hành vi lừa dối tinh vi “ở quy mô công nghiệp”.
Hàng giả của AOG xuất hiện tại một nhà cung cấp dịch vụ động cơ ở phía đông bắc London, một nhà cung cấp phụ tùng ở Florida, một công ty bảo trì ở Scandinavia, một hãng hàng không ở Châu Phi và một công ty bảo trì khác được thành lập ở Đức, cùng nhiều công ty khác.
Cánh quạt được sản xuất cho động cơ phản lực
CFM56. Ảnh: Nathan Laine/Bloomberg
Hồ sơ giả mạo được các luật sư của CFM trình ra đã có từ năm 2018, cho thấy hành vi lừa dối đã kéo dài nhiều năm. Một số có chữ ký giả của nhân viên Safran thực sự, trong khi một số khác được ký bởi các nhân viên cũ.
Những cái tên được ký khác dường như cũng là giả mạo: một số mẫu đơn được ký bởi Michael Smith. Tuy nhiên, hồ sơ LinkedIn của người này (hiện đã bị xóa) giới thiệu Smith là quản lý đảm bảo chất lượng tại AOG.
Vấn đề nằm ở chỗ, ảnh đại diện của Michael Smith cũng có thể được tìm thấy trên các trang web bán hình ảnh, với mô tả là “một nam nhân viên cấp cao tự tin mặc áo phông trắng”. Bức ảnh này đặc biệt phổ biến trong giới y tế, từng được đăng trên các trang web của bác sĩ tim mạch Wisconsin, nha sĩ Oregon và bác sĩ phẫu thuật trực tràng ở Barcelona.
Hiểm nguy rình rập
Làm thế nào một ngành công nghiệp được quản lý chặt chẽ và có quy chuẩn ngặt nghèo về đảm bảo an toàn lại có thể bị đánh lừa bởi một nhóm lừa đảo duy nhất vẫn là một trong những bí ẩn lớn của vụ án đang diễn ra. Đó là một lỗ hổng mà ngành hàng không đã phải đối mặt trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ giải quyết thành công.
Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất liên quan đến các bộ phận giả xảy ra vào ngày 8/9/1989, khi Chuyến bay 394 của Partnair chở 55 người từ Oslo đến Hamburg lao xuống biển, khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng. Các nhà điều tra sau đó xác định rằng các bu lông và giá đỡ giả đã khiến phần đuôi của động cơ phản lực cánh quạt Convair CV-580 rung lắc dữ dội và cuối cùng bị rách.
Phần đuôi từ vụ tai nạn của chuyến bay Partnair
394 năm 1989. Ảnh: AAIB Na Uy
Việc buôn bán các bộ phận máy bay giả đã gây ra làn sóng phẫn nộ vào những năm 1990. Với tư cách là Tổng Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Mỹ vào thời điểm đó, Mary Schiavo đã lãnh đạo các cuộc điều tra về các bộ phận giả, cuối cùng đưa ra khoảng 120 bản án hình sự từ năm 1990 đến 1996.
Bà nói với hội đồng giám sát của Thượng viện vào năm 1995 rằng ngành công nghiệp này có quá nhiều linh kiện đáng ngờ đến mức người ta “chắc chắn phải đưa ra kết luận: nếu nó là một bộ phận của máy bay, nó có thể là giả”.
Bình luận về vấn đề này, Zemanovic, nhà tái chế phụ tùng ở Minneapolis, cho biết: “Ở đâu có tiền thì ở đó có gian lận”.
Xem thêm:
- Giới khoa học Nhật Bản đã tìm ra ''chìa khóa'' để đảo ngược quá trình lão hóa
- NASA tái chế thành công nước tiểu và mồ hôi của phi hành đoàn trên trạm vũ trụ ISS, hiệu quả đạt 98%
- Vũ khí sản xuất chip bí mật của Intel: To gần bằng 4 sân vận động, tiêu tốn 41 triệu lít nước/ngày, hạt bụi nhỏ nhất không được phép chui lọt
- Mỹ sắp có taxi bay, có thể thay thế các ứng dụng đặt xe trên các quãng đường dài
- Trung Quốc chính thức vận hành nhà máy quang - thuỷ điện lớn nhất thế giới: Tạo ra 2 tỷ kWh điện/năm, cung cấp năng lượng cho 700.000 hộ gia đình
Nguồn: Bloomberg, GenK
Bình luận về bài viết